Sơn tĩnh điện khá phổ biến hiện nay, công nghệ này sử dụng nguyên lý điện từ để màng sơn bám dính tốt hơn vào bề mặt kim loại được sơn. Công nghệ sơn tĩnh điện chỉ thích hợp cho các vật liệu kim loại có tính dẫn điện.
Phân biệt sơn tĩnh điện và sơn thường:
Chúng ta có thể dễ dàng phân biệt sơn tĩnh điện và sơn thông thường dựa vào màu sắc và độ mịn của lớp sơn:
- Công nghệ sơn tĩnh điện sẽ cho ra lớp sơn mịn, màu sơn đều, bám chắc tốt và có độ bóng cao, khi chạm vào sẽ thấy lớp sơn nhẵn không bị cộm tay.
- Còn lớp sơn của công nghệ sơn thông thường sẽ không đồng đều, chỗ dày, chỗ mỏng khiến cho màu sơn không được đẹp, bộ bóng thấp, khi chạm vào sẽ thấy lớp sơn không nhẵn mịn mà hơi sần.
Nguyên lý hoạt động
Sơn tĩnh điện được phủ lên trên bề mặt vật liệu bằng một loại súng phun sơn đặc biệt. Khi bột sơn tĩnh điện đi qua súng phun tĩnh điện sẽ được đun nóng và tích điện dương (+) tại đầu kim phun, sau đó đi qua kim phu và di chuyển theo điện trường để đến tới vật liệu sơn đã tích điện âm (-). Lúc này nhờ vào lực hút giữa các ion điện tích, bột sơn từ từ bám vào quanh vật liệu sơn. Phương pháp này giúp cho bột sơn được rải đều quanh vật liệu, và có thể di chuyển vào hầu hết các bề mặt bị khuất.
Nhìn chung, công nghệ phun sơn tĩnh điện khá là đơn giản, trong đó thiết bị chính là một súng phun tĩnh điện cùng với bộ điều khiển tự động. Bên cạnh đó là các thiết bị hỗ trợ khác như buồng phun sơn, thiết bị thu hồi bột sơn, buồng hấp bằng tia hồng ngoại (giúp điều chỉnh nhiệt độ và thời gian tắt mở). Các thiết bị hỗ trợ phun sơn như máy nén khí, hệ thống trước khi sơn như máy tách ẩm khí nén, các bồn chứa hóa chất bằng composite nahừm giúp cho xử lý bề mặt vật liệu trước khi sơn.
Phân loại
Dựa theo tính chất được chia thành 2 loại:
- Sơn tĩnh điện dạng khô (sơn bột): Là dạng phun bột trực tiếp không pha, được ứng dụng sơn cho các sản phẩm bằng kim loại như sắt thép, nhôm, inox...
- Sơn tĩnh điện dạng ướt (sử dụng dung môi): Là dạng pha bột với dung môi hoặc nước, được ứng dụng sơn cho các sản phẩm bằng kim loại, nhựa gỗ...
Tuy nhiên, hiện nay, sơn tĩnh điện dạng bột thường được sử dụng phổ biến hơn cả bởi hiệu quả che phủ cũng như sự tiết kiệm của nó.
Ưu nhược điểm
Ưu điểm
- Lợi ích về kinh tế: Sơn được sử dụng tới 99%, bột sơn dư có thể dùng lại cho lần sau. Không cần sơn lót, tiết kiệm thời gian hoàn thiện và dễ làm sạch.
- Đặc tính sử dụng: Quy trình sơn được tự động hóa nên rất dễ dàng. Khi sơn dính lên người cũng rất dễ dàng vệ sinh mà không cần dùng dung môi.
- Chất lượng: Tuổi thọ, độ bóng cao, bền bỉ theo thời gian, không bị ăn mòn bởi hóa chất và tác động của thời tiết, màu sắc phong phú.
- An toàn, thân thiện với con người và môi trường: Sơn tĩnh điện có màu sắc đa dạng, bền, đẹp, không bong, tróc, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, mang lại sự an tâm, thoải mái khi sử dụng. Với độ bền cao, sơn tĩnh điện còn giúp tăng vòng đời của sản phẩm, từ đó góp phần bảo vệ môi trường.
Nhược điểm
- Sơn tĩnh điện là phương pháp sơn tương đối tốn kém khi phải đầu tư đầy đủ trang thiết bị gồm hệ sống phun và bộ nguồn nén khí cũng như lò sấy khô,...
- Yêu cầu công nhân có kỹ thuật cao, nắm rõ quy trình sơn tĩnh điện mới có thể thực hiện được.
Ứng dụng
- Công nghệ sơn tĩnh điện ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống công nghiệp hiện đại, phủ sóng trên khắp các lĩnh vực: cơ khí, hàng hải, viễn thông, hàng không… và cả nội thất, trang trí, xây dựng.
- Trong công nghiệp, các chi tiết máy móc ngày nay được sơn tĩnh điện rất nhiều giúp mang lại sự bền bỉ, chống han gỉ, màu sắc bắt mắt và thẩm mỹ cao.
- Các dụng cụ sử dụng trong nông nghiệp truyền thống cũng như nông nghiệp công nghệ cao cũng không thể bỏ qua vai trò của sơn tĩnh điện. Hiện nay các giá sắt sơn tĩnh điện trồng rau trong nhà kính được sử dụng cực kì phổ biến.
- Những sản phẩm đồ gia dụng, đồ nội thất ngày nay cũng không thể thiếu sự xuất hiện của sơn tĩnh điện lên các đồ vật bằng kim loại.